Chân tình để lại..

Photobucket

Thứ Tư, 8 tháng 2, 2012

Thiền với kẻ sĩ.

Thiền với kẻ sĩ.


Đại sư Tinh Vân - Đạt Ma Tông Diễn dịch
(Nói chuyện tại lễ đường Đại Học Thanh Niên tháng 10 – 1976)

1. Thiền sư Điểu Khòa và Bạch Cư Dị

Thiền sư Điểu Khòa chùa Hỷ Thước ở Tây Hồ, Hàng Châu, pháp danh Đạo Lâm, thụy hiệu Viên Tu, xuống tóc xuất gia lúc chín tuổi, hăm mốt tuổi đến chùa Quả Nguyện ở Kinh Châu thọ giới Cụ Túc, sau đó vào Thiểm Tây nương dưới cửa thiền sư Thao Quang. Về sau, dưới tòa Đạo Lâm có vị thị giả tên Hội Thông, hầu thời gian đã lâu nhưng chẳng khai ngộ. Một hôm đến từ giã thiền sư Đạo Lâm, xin đi. Thiền sư hỏi ông muốn đi đâu? Ông thưa: “Đến các nơi học Phật pháp”.


Thiền sư nói: “Nếu là Phật pháp, ta trong đây cũng có chút ít”.


Nói rồi liền rứt sợi vải trên áo mà thổi, thị giả Hội Thông ngay đó khai ngộ, đời gọi đó là thị giả Tơ Vải ( Bố Mao thị giả ). Đạo chẳng đâu xa, đạo ngay nhà mình, dụng công phu trên đất tâm.


Theo Ngũ Đăng Hội Nguyên ghi lại: Thiền sư Đạo Lâm, sau một mình đến núi Tần Vọng, nghỉ ngơi tu hành trên một nhánh tùng cành lá um tùm khác thường kết tròn như cái lọng, từa tựa như chú chim làm tổ trên cây, nên người đương thời gọi Sư là thiền sư Điểu Khòa ( ổ chim ). Do thiền sư đạo hạnh sâu dày nên thường có người đến thưa hỏi Phật pháp. Bữa nọ, đại văn hào Bạch Cư Dị cũng đến dưới sào thăm viếng thiền sư, ông thấy thiền sư đoan tọa trên mé tổ chim đung đưa muốn rớt, mới nói: “Thiền sư ở trên cây, nguy hiểm ghê lắm!


Thiền sư đáp: “Thái thú! Chỗ của Ngài mới nguy hiểm tột cùng, tôi ngồi trên cây nghiêng một chút cũng chẳng nguy hiểm!”


Bạch Cư Dị nghe rồi chẳng cho như vậy, hỏi: “Hạ quan là quan viên trọng yếu triều đình, có nguy hiểm gì chứ?”


Thiền sư đáp:”Củi lửa gặp nhau, thỏa tình chẳng dừng, sao có thể bảo không nguy hiểm ư?”


Ý nói chốn quan trường chìm nổi, mọi thứ đối đầu, nguy hiểm ngay trước mắt. Bạch Cư Dị dường như có chút lĩnh ngộ, chuyển vấn đề hỏi: “Thế nào là đại ý Phật pháp?”


Thiền sư đáp:


Chớ làm điều ác


Vâng làm việc lành


Trong sạch ý mình


Là chư Phật dạy


Bạch Cư Dị lúc đầu, tưởng thiền sư chỉ bày lý tự kỷ sâu mầu, nghe xong cảm thấy rất thất vọng: “Điều này con nít ba tuổi cũng biết nói vậy!”


Thiền sư bảo: Con nít ba tuổi tuy nói được, ông già tám mươi tuổi lại chẳng làm được.


Bạch Cư Dị nghe thiền sư nói, hoàn toàn thay đổi thái độ cao ngạo vừa rồi.


Lần khác Bạch Cư Dị lại dùng kệ thưa hỏi:


Vào cửa Không hỏi Khổ Không,


Việc Thiền dạn lấy hỏi ông nhà Thiền


Mơ mòng ấy cuộc phù sinh,


Hay phù sinh đó là đêm mộng trường?


Thiền sư cũng dùng kệ đáp:


Tới – Qua không dấu vết gì,


Đi qua hay tới cũng y sự tình


Đâu cần hỏi việc phù sinh


Phù sinh ấy, chỉ bồng bềnh mộng thôi.


Kiếp người như huyễn như hóa, ngắn như sương sớm, song nếu thể ngộ được lý Vô Sinh, vượt khỏi hạn chế của quá khứ tương lai, đời sống liền thênh thang trong không gian vô tận, rộng mở dằng dặc không dứt, chẳng sinh ra cũng chẳng mất đi. Bạch Cư Dị lắng nghe thiền sư khai thị rồi, thêm kính trọng bội phần, lễ vái mà lui.


Từ câu chuyện của Bạch Cư Dị và thiền sư Điểu Khòa, chúng ta hiểu được cốt cách Thiền là sinh động tự nhiên. Thiền thật chẳng xem trọng hiểu biết cùng miệng lưỡi tranh hơn, chỉ trọng chỗ hiểu và làm khớp nhau. Quan trọng ở việc hành hơn hiểu. Thiền sư tham cứu Phật pháp chỉ dựa trên lập trường này, nên nói : Ông già tám mươi tuy từng sống trải đời người, nếu không tự thân thực hành, dẫu thuộc làu làu ba tạng mười hai bộ, vẫn chẳng hiểu được chân lý Phật pháp.


Bạch Cư Dị từ chỗ tìm hỏi Phật pháp đến an thân lập nghiệp trong đó, trở thành Phật tử thuần tín, thăm viếng khắp các cao tăng, danh sơn, về già lại cho hầu thiếp về hết cả, trọn đời chay trường, lại còn sửa nhà thành chùa Hương Sơn, tự gọi là Hương Sơn cư sĩ, nhất là lòng say niệm Phật, lời văn thường biểu lộ tâm cảnh ông có sở đắc Phật pháp. Ví dụ bài Hương Sơn Tự của ông:


Yêu gió ngàn reo, dựa bóng thông


Luyến trăng đầm lạnh, ngồi bờ đá


Duyên kết suối mây bầu bạn chung


Ngày kia làm kẻ tăng sơn dã


Trong thơ dồi dào ý cảnh nhàn tản rong chơi, cuộc sống đi về với trăng nước mây bạc này, khiến ta không còn bị phồn hoa thế tục buộc ràng, sống đời tự do tự tại trong cõi Thiền
.