Chân tình để lại..

Photobucket

Thứ Bảy, 22 tháng 10, 2011

"Vua sám hối" - bức dị tượng độc nhất Việt Nam

"Vua sám hối" - bức dị tượng độc nhất Việt Nam


Bức tượng được sơn son thếp vàng, tạc hình ảnh một nhà vua mặc triều phục đang quỳ gập người, hai bàn tay cung kính mở rộng để trên mặt đất, còn bên trên lưng là một pho tượng Phật cao lớn ngồi trên tòa sen nằm đè lên.

Tượng “Phật cưỡi vua” độc nhất vô nhị

Một chiều thu lang thang trên những con phố ở Hà Nội, đi ngang qua con phố Hàng Than, thấy chùa Hòe Nhai ngày nào giờ sửa sang lại khang trang quá, cửa chùa để ngỏ, tôi chợt dừng bước ghé chân vào thăm để tìm một chút tĩnh lặng giữa những mớ bộn bề của cuộc sống.

Từng ngọn gió thu mát rười rượi thổi dọc theo dãy hàng lang đi quanh chùa, lại thêm cảnh vật yên tĩnh, trong lành khiến tâm hồn thư thái đến lạ thường. Đi dạo một vòng quanh chùa, bất ngờ tôi phát hiện ở gian phòng thờ bên trái thượng điện có một bức tượng hết sức kỳ dị mà không một ngôi chùa nào khác có được.


'Vua sám hối'- bức dị tượng độc nhất Việt Nam
Bức tượng kỳ lạ bí ẩn ở chùa Hòe Nhai, Hà Nội


Đó là một bức tượng to, được sơn son thếp vàng, tượng tạc hình ảnh một nhà vua mặc triều phục đang quỳ gập người, hai bàn tay cung kính mở rộng để trên mặt đất, còn bên trên lưng là một pho tượng Phật cao lớn ngồi trên tòa sen đè lên lưng nhà vua.


Đem sự tò mò đến hỏi trụ trì của chùa là Hòa thượng Thích Tâm Hoan, tôi mới được hay biết đằng sau bức tượng này là cả một truyền kỳ dài gắn với tên tuổi của một vị vua trong lịch sử phong kiến Việt Nam.


Trụ trì Thích Tâm Hoan cho biết: “Bức tượng này là độc nhất vô nhị, không chỉ ở Việt Nam mà ngay cả trên thế giới, có bao nhiêu người được chiêm ngưỡng là bấy nhiêu sự ngỡ ngàng và ngạc nhiên khi được nghe về huyền tích sự ra đời của tượng “vua sám hối”.


Nhiều người khi nhìn bức tượng này cho rằng đây là một sự trừng phạt nhưng trái lại, "Dáng quỳ gối phủ phục sát mặt đất của tượng vua thể hiện một sự quy phục tuyệt đối. Đó là sự hối lỗi chân thành, một sự thay đổi xuất phát từ sâu sắc trong tim chứ không gượng ép và do đó đây là một sự nhận lỗi, sửa sai chứ không phải là một sự trừng phạt”, nhà sư Thích Tâm Hoan nói.

“Pho tượng không chỉ là một sự hoài cổ, mà nó là một bài học lưu truyền cho muôn đời sau học tập. Làm người ai cũng phải sửa bỏ thói hư tật xấu thì mới đạt được kết quả tốt. Ai sống trên đời cũng đều mắc sai lầm, nhưng điều quan trọng là phải biết nhìn nhận và sửa sai, để được tha thứ. Khi biết nhận lỗi, những người khác sẽ không đánh giá và quy tội nữa.

Sự ra đời của pho tượng sám hối kỳ lạ

Theo lời của trụ trì Thích Tâm Hoan, thì vào khoảng năm 1670, lúc này Phật giáo đang trong thời kỳ suy sụp, các nhà sư đều điêu đứng vì bị cho rằng sự tồn tại của họ là không có lợi cho xã hội, các Tăng Ni và Phật tử trong chùa đều là những người lười nhác và sống ỷ lại vào sự hảo tâm của mọi người, lãng phí của cải.

Khi vua Lê Hy Tông lên nắm quyền năm 1675 đã ra sắc lệnh đuổi hết sư sãi ở các chùa lên rừng, ai ngoan cố không đi sẽ bị khép vào trọng tội đem ra xử trảm, khiến Phật giáo thời kỳ này rơi vào thảm cảnh hơn bao giờ hết trong lịch sử. Chùa chiền bỏ hoang, kẻ cắp vào tàn phá, các nhà sư phải bỏ lên rừng, nhiều người không chịu được đói rét lại cởi áo cà sa quay về kiếp phàm trần.

Cùng thời gian này có một vị thiền sư đắc đạo tên Tông Diễn, ông thuộc thế hệ thứ hai của phái Tào Động. Ông được mọi người thời bấy giờ gọi là “tổ cua” vì tương truyền có một lần Tông Diễn mua được một mớ cua mẹ sau đó liền thả hết chúng trở về mương vì khi nhìn thấy chúng sùi bọt ông cho rằng chúng đang than khóc cho số phận của mình.

'Vua sám hối'- bức dị tượng độc nhất Việt Nam
Tượng "vua sám hối" độc nhất vô nhị đã được ghi vào sách kỷ lục Guinness


Nhìn thấy sự đi xuống của Phật giáo và sự khốn khổ của các vị sư, Tông Diễn đã quyết tâm tìm cách trở về kinh thành Thăng Long nơi có vua Lê Hy Tông ngự để ngộ giác tư tưởng nhà Vua, cứu lại niềm tin Phật pháp vô biên.


Vì khi đó vua Lê Hy Tông đang rất kì thị và căm ghét nhà sư nên Tông Diễn phải cải trang sau đó giả vờ dâng tặng nhà vua một viên ngọc quý, nhưng thực chất bên trong là một tờ sớ được viết bằng tâm huyết của Tông Diễn, giúp vua Hy Tông ngộ ra được chân lý của Phật giáo.


Điều mà bức sớ của Tông Diễn muốn nói với vua Hy Tông là ở đời Trần, đời Lý, các vua hết sức coi trọng đạo Phật và rồi quốc gia thịnh trị, đạo Phật khiến người ta biết ăn uống đúng mực, không sân si, không giết người cướp của, nó như một viên ngọc quý của quốc gia, vậy tại sao cho đến giờ đạo Phật lại bị cho rằng không mang lại lợi ích gì cho xã hội...


Khi truyền đến tay, vua Hy Tông sau khi đọc hết bức sớ chứa đầy những suy nghĩ đúng đắn của vị thiền sư trong giây lát như bừng tỉnh, thoát khỏi cơn mộng mị. Nhà vua liền lập tức cho triệu ngay Tông Diễn vào triều, cúi mình tạ lỗi trước nhà sư, sau đó thu hồi sắc lệnh cấm Phật giáo và hứa sẽ sửa mình với Tông Diễn.


Để thể hiện lòng thành, vua cho người tạc bức tượng lớn mà trong đó có hình nhà vua lấy theo mẫu vua Hy Tông đang phủ phục dưới đất cõng trên lưng tượng Đức Phật Thích Ca Mâu Ni đang ngồi thiền trên đài sen và đặt tên đó là bức tượng “Vua sám hối”.


Bức tượng do vua Hy Tông sai tạc ngoài việc để sám hối với Đức Phật vì hành động “phá đạo” của mình, ông còn muốn tất cả mọi người hãy tự biết tu thân sửa mình để sống tốt hơn, nhất là những quan lại nắm chức, cầm quyền trong tay cũng phải xem lại chính mình. Sự ngự trị trong cõi này còn có một cõi ngự trị siêu hùng ưu việt hơn, đó là lực lượng của trí tuệ, một sự tự thân, của bản thể duy nhất.


Như vua Lê Hy Tông, người mang quyền lực tối cao trong một nhà nước đã biết nhận lỗi, sửa lỗi. Sự sám hối này không chỉ cho mình ông, mà còn để răn dạy bao thế hệ về sau nữa", nhà sư Thích Tâm Hoan chỉ dạy.

Năm 2006, nhân dịp UNESCO công nhận Lễ Phật đản là lễ hội tôn giáo thế giới, nhiều công trình văn hóa Phật giáo đặc sắc khắp châu Á được nhắc đến, trong đó có pho tượng Vua sám hối độc nhất ở Việt Nam, với tạo hình độc đáo. Hiện tượng “vua sám hối” cũng được ghi vào sách kỷ lục Guinness.

Kinh Vân (Bưu Điện Việt Nam
)

Thứ Sáu, 21 tháng 10, 2011

Thận trọng với sản phẩm có mùi hương nồng

Thận trọng với sản phẩm có mùi hương nồng



           Bổ sung hương thơm vào các sản phẩm gia dụng là xu hướng trong sản xuất hàng tiêu dùng hiện nay. Thế nhưng "lợi bất cập hại", điều ấy không hẳn đã tốt cho sức khỏe con người.
Kích cỡ chữ:  Giảm Tăng

Theo Thạc sĩ - bác sĩ Trần Anh Tuấn, Trưởng khoa Hô hấp, Bệnh viện Nhi Đồng 1, TP.HCM, mùi hương tinh dầu chiết xuất từ thiên nhiên rất đắt tiền nên không phải sản phẩm tiêu dùng nào cũng được sử dụng hương thơm có nguồn gốc thiên nhiên.

Bệnh từ “mùi hương”

Hương thơm thường mang đến cho con người cảm giác sảng khoái, dễ chịu. Vì vậy, sử dụng các sản phẩm có hương thơm là một nhu cầu từ bao đời nay, đặc biệt khi chất lượng cuộc sống ngày càng được cải thiện. Tuy nhiên, vì tinh dầu chiết xuất từ thiên nhiên rất đắt tiền nên hiện nay đa phần các chất tạo mùi thơm tổng hợp là các loại hóa chất, như tinh dầu và este: Amyl axêtat, Amyl butyrat, êtyl butyrat, êtyl valerianat, êtyl pentacyonat và một số chất khác như aldehyt benzoic, nhựa thơm pêru, xitrol, vanilin, hêliotropin, cumarin, mentol… có nguồn gốc từ dầu mỏ. 

1muithom.jpg

Cẩn trọng khi sử dụng nến thơm - Ảnh minh họa

Theo một khảo sát của Cơ quan Bảo vệ môi trường Hoa Kỳ năm 1991, có đến 95% các hương thơm đang được sử dụng là hóa chất có nguồn gốc từ dầu mỏ thay vì hương liệu tự nhiên. Đặc biệt, rất nhiều chất trong các sản phẩm tạo mùi thơm có độc tính đối với cơ thể, như toluen, aceton, focmaldehit… Trong số này, có nhiều chất đã được chứng minh có thể gây ung thư, dị tật bẩm sinh, vô sinh, gây tổn thương hệ thần kinh. Vì vậy, khi sản phẩm có mùi càng thơm, mùi thơm càng tồn tại lâu thì lại càng có nhiều hoá chất.

Các ảnh hưởng này nhiều hay ít phụ thuộc vào bản chất và nồng độ của chất tạo mùi (nhưng vốn thường được giữ kín như một bí mật nghề nghiệp), mức độ và thời gian tiếp xúc cũng như cơ địa của từng người. Cả người lớn lẫn trẻ em đều có thể bị ảnh hưởng bởi hương thơm chứa các chất độc hại này nhưng trẻ em là đối tượng dễ bị ảnh hưởng nhiều nhất.

Ảnh hưởng từ “mùi hương hóa chất”

Tác động đầu tiên cần nói đến là ảnh hưởng trên đường hô hấp. Các mùi hương càng thơm, càng nồng có thể là tác nhân gây kích thích, phát triển cơn hen quan trọng dù bệnh nhân vẫn được dùng thuốc phòng ngừa đầy đủ. Bệnh nhân viêm xoang dị ứng cũng có thể trở nên khó điều trị nếu vẫn ngửi mùi thơm thường xuyên. Khoa học cũng đã phát hiện mối liên hệ của hóa chất thơm với tình trạng đột tử ở trẻ sơ sinh trong chứng co thắt đường thở do dị ứng.

Tình trạng dị ứng cũng có thể xảy ra khi dùng những chất có hương thơm trên da, dẫn đến viêm da tiếp xúc, chàm...

Ngoài việc tác động trên da hoặc đường hô hấp, các hóa chất tạo hương còn có thể thấm qua da và tích lũy trong cơ thể, gây nhiều tác động có hại. Đặc biệt, ở trẻ sơ sinh, do da rất mỏng nên các hóa chất sẽ dễ thấm qua hơn. Cơ thể trẻ cũng non yếu nên dễ bị ảnh hưởng hơn nhiều.

Hương thơm nhân tạo, đặc biệt khi có nguồn gốc dầu mỏ, còn có thể gây tình trạng nhạy cảm đa hóa chất, tình trạng này càng thường gặp nhiều hơn. Người bị hội chứng này khi tiếp xúc với một hóa chất có mùi nào đó sẽ bị nhức đầu, buồn nôn, mệt mỏi, thậm chí kích động, mất định hướng, rối loạn hoạt động cơ.

Nến thơm cũng có thể chứa độc tố

Sử dụng nến thơm hiện nay cũng là một trào lưu được nhiều người ưa chuộng, đặc biệt ở giới trẻ vì có ánh sáng trong một không gian thơm tho, lãng mạn. Một số loại nến có tinh dầu còn được giới thiệu có tác dụng thư giãn, giảm căng thẳng đầu óc, giảm stress. Tuy nhiên, cũng do tinh dầu tự nhiên có giá rất đắt, dễ bay hơi và không thể làm nến nếu không pha thêm chất ổn định khác nên đa số nến thơm có giá không đắt đều sử dụng các hương liệu tổng hợp tương tự như trên. Về nguyên tắc, nến có mùi càng thơm thì càng có nhiều hoá chất và càng có khả năng gây ảnh hưởng không tốt cho sức khỏe con người. 

Một nguy cơ nữa có thể gây hại cho người dùng là nến có lõi bấc bằng chì. Việc dùng dây kim loại (thường là chì) để làm lõi bấc sẽ giúp nến cháy thẳng, lâu, ngọn lửa đẹp nhưng lại không tốt cho sức khoẻ. Nhiễm độc chì có thể gây ra các vấn đề về thần kinh, gan, thận… và trẻ có nguy cơ chậm lớn.

Sử dụng an toàn là dùng sản phẩm ít mùi thơm

Các ảnh hưởng không tốt, thậm chí có hại nói trên, thường ít được chú ý đến và bị bỏ qua. Vì vậy, khó biết chính xác tần suất xảy ra thật sự của chúng là bao nhiêu nhưng trên thực tế không phải là hiếm.

Vì vậy, để giữ được sự an toàn khi sử dụng những sản phẩm này, trước hết, cần hạn chế tối đa dùng những sản phẩm với mùi thơm có nguồn gốc từ hóa chất. Nếu sử dụng, nên chọn  loại sản phẩm chỉ có mùi thơm nhẹ. Nên dùng lượng vừa phải để không ảnh hưởng sức khỏe bản thân và người xung quanh.

Khi trong nhà có người bị hen suyễn, viêm mũi dị ứng, trẻ nhỏ, chúng ta càng nên tránh dùng các loại có mùi thơm, đặc biệt là các sản phẩm thơm nồng. Nếu phải sử dụng, nên bắt đầu dùng ở mức độ ít  và chú ý quan sát xem có phản ứng gì lạ ở người trong nhà hay không. 

Đối với trẻ nhỏ, đặc biệt là trẻ sơ sinh, cần tránh cho da trẻ tiếp xúc trực tiếp với các chất xịt phòng có mùi thơm, nhất là các mùi quá nồng.   

Nguyên Hạnh (Phụ nữ online