Chân tình để lại..

Photobucket

Thứ Tư, 16 tháng 3, 2011

.

HẬU QUẢ CỦA BẤT TỬ

       Nếu tuổi thọ của bạn kéo dài 20 hay 30 năm, hẳn bạn sẽ cảm thấy hạnh phúc khi được sum vầy cùng cháu chắt của mình và nhìn chúng trưởng thành. Nếu tuổi thọ của bạn kéo dài thêm 100 hay 200 năm, hẳn bạn sẽ ngạc nhiên trước những thay đổi của khoa học, của các thể chế chính trị, lối sống của người dân… Nhưng nếu sống thêm 300, 400, 500, 1000 năm hoặc hơn thế nữa, bạn có biết mình sẽ làm gì và ra sao không? Các nhà khoa học tương lai và các nhà xã hội học đã tưởng tượng giúp chúng ta một phần viễn cảnh ấy.

Một khi đã đạt được cái ngưỡng trường sinh bất tử, bạn sẽ không còn phải nghĩ đến chuyện sinh con đẻ cái, di truyền nòi giống. Theo tính toán của các chuyên gia dân số, từ nay đến năm 2050, nếu tuổi thọ trung bình của con người chỉ “mới” ở mức 120 thôi, dân số thế giới có thể giảm đáng kể. Thoạt nghe thì có vẻ như đó là tín hiệu đáng mừng thế nhưng suy cho cùng đó lại là một thảm họa: bởi lúc ấy trẻ em dưới 4 tuổi sẽ chỉ còn 6% dân số trong khi đó số các cụ già tren 60 tuổi lại chiếm tới 20%. Cuộc sống sẽ buồn và vô vị làm sao khi một đứa trẻ phải ngậm ngùi… chơi với ba cụ già, trong khi bình thường thì một cụ già sẽ có nhiều niềm vui và tiếng cười hơn khi ngắm bầy trẻ nô đùa và bày ra đủ mọi trò thú vị!

Không dừng lại ở đây, các chuyên gia còn dự đoán rằng cuộc sống bất tử sẽ là thủ phạm chính của những mâu thuẫn, rạn nứt trong xã hội và gia đình tương lai.

Quả vậy, cứ hình dung ra cái viễn cảnh hàng trăm năm, hàng nghìn năm trời bị “kẹt” dưới một mái nhà với cùng một gương mặt thì không ít người đã phải thở dài ngán ngẩm. Liệu có ai dám chắc trong thế giới bất tử, câu chuyện li dị sẽ không trở thành cơm bữa, cộng với nhu cầu di truyền giống nòi không còn thì khái niệm gia đình sẽ mãi mãi mất đi trong bất kì một cuốn từ điển trong tương lai! Chưa hết, trong cái thế giới bất tử kia, Nhà nước làm gì để có thể trả đều đặn lương hưu cho từng ấy con người không chịu… quy tiên? Còn tôn giáo sẽ đi đâu về đâu khi khái niệm thiên đường hay cõi niết bàn không còn giá trị? Người bất tử không cần những lời an ủi từ tôn giáo, bởi tôn giáo chỉ dùng để trấn an tinh thần, cảm xúc người sống khi thấy những người thân vĩnh viễn ra đi, mang lại niềm tin cho những người ốm đau bệnh tật e sợ một ngày tử thần đến gõ cửa… Tôn giáo mất đi rồi, biết đâu xã hội chẳng mang thêm một gánh nặng cũ lại còn nặng hơn là nạn… thất nghiệp? Rồi một ngày nào đó, khi đã sống quá lâu trên thế gian, khi mọi phương tiện để thỏa mãn những ước mơ, những thú vui và nhu cầu của con người đã cạn kiệt, liệu giữa những người bất tử có xảy ra những ghen ghét, đố kị, những căng thẳng, trầm uất và hậu quả nặng nề hơn là chiến tranh?

Cứ xét một loạt những viễn cảnh trên đây thì loài người sẽ cảm thấy vui mừng hơn vì hiện tại mình vẫn chưa bất tử, vẫn có thể nghêu ngao hát và tận hưởng nhưng giai điệu êm ái, sâu lắng của “If tomorrow never comes”. Cuộc sống cũng giống như một câu chuyện có mở bài, thân bài và kết luận. Cắt đi phần kết thì câu chuyện sẽ trở nên vô nghĩa. Phải chăng có đôi lúc chúng ta cũng nên dừng nhịp sống hối hả và những tham vọng của mình lại để suy nghĩ những lời tâm sự của nhà nghiên cứu sinh học Edoardo Boncinelli: “Sống 150 tuổi có nghĩa lí gì nếu 70, 80 năm trước đó người ta không sống hết mình?”[sưu tầm]

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét